18:36 EDT Thứ sáu, 19/04/2024

NỘI DUNG WEBSITE

HỆ THỐNG TRA CỨU




Bấm vào đây để xem các thủ tục quy định của Sở GD&ĐT

Trang nhất » Tin Tức » DỮ LIỆU LƯU TRỮ » Hình ảnh nhà trường


 



HỘI ĐỒNG SP NHÀ TRƯỜNG

Bài viết của thầy Phạm Đình Ái nhân dịp 30 năm thành lập trường

Thứ ba - 03/11/2015 22:43
Bài viết của thầy Phạm Đình Ái nhân dịp 30 năm thành lập trường

Bài viết của thầy Phạm Đình Ái nhân dịp 30 năm thành lập trường

                                                                                          Bảo lộc, ngày 23 tháng 02 năm 2015
 
BÀI VIẾT
NHÂN DỊP BUỔI GẶP MẶT QUÍ THẦY CÔ ĐÃ GIẢNG DẠY
TẠI TRƯỜNG PT CẤP 2-3 LỘC THANH – BẢO LỘC (1985 - 2005)
 NHÂN DỊP KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG
(1985 – 2015)
 
                    Thầy Phạm Đình Ái
                               Hiệu trưởng (1985-2007)
 

 
Kính thưa quí thầy cô!
 
Hôm nay ngày 1.3.2015 tại nhà hàng cổ phần Du lịch Bảo Lộc, quí thầy cô đã từng công tác tại trường PT cấp 2 - 3 Lộc Thanh từ năm 1985 đến 2005 gặp mặt nhân dịp đầu năm mới Ất Mùi (2015) nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường. Cho phép tôi kính chúc quí thầy cô Năm mới vạn sự như ý.
Thể theo nguyện vọng của một số thầy cô và sự đồng thuận của nhiều thầy cô để có 1 buổi gặp gỡ đầu năm đông đủ để thỏa nỗi nhớ mong, để ôn lại kỷ niệm một thời, để tâm tình sau bao năm tháng xa cách. Để nhớ lại một thời trong đời mình hữu duyên tương ngộ dưới một mái trường mới thành lập tại một vùng quê và một mô hình trường cấp 2 – 3 mới mẻ Lộc Thanh - Bảo Lộc – Lâm Đồng. Trong một thời điểm vô cùng khó khăn của đất nước, của ngành giáo dục nói chung – nhà giáo và địa phương nói riêng. Đồng thời để chiêm nghiệm các giá trị nhân văn mà định hướng tương lai.
Thời ấy cách đây 30 năm là khoảng thời gian khá dài trong một đời người, thời gian sẽ làm phôi pha quá khứ nhưng khi gặp lại người xưa bóng cũ sẽ sống lại nguyên tươi, chính vì vậy cuộc gặp gỡ này là tiền đề cho kỷ niệm được tươi rói hơn.
Thời ấy khi mới thành lập trường. Đội ngũ giáo viên cấp 2 được tách từ phổ thông cơ sở Lộc Thanh sang. Quý thầy, cô quê chủ yếu là các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh. Một số ở Hà Nội - Hà Nam Ninh - Đồng Nai - thành phố Hồ Chí Minh và tốt nghiệp chủ yếu từ trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt. Đội ngũ giáo viên cấp 3 hầu hết từ cấp 3 Bảo Lộc chuyển vào; tốt nghiệp từ các trường đại học sư phạm Hà Nội – Vinh – Huế - thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các thầy, cô đều rất trẻ, rất khỏe và rất yêu đời yêu nghề. Quê hương các thầy, cô từ các tỉnh miền Bắc – miền Trung và miền Nam. Chỉ có 3 thầy, cô gốc ở địa phương Thanh, Phát.
Thời đó sau 10 năm cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước thắng lợi. Đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất. Nhưng đất nước vẫn còn vô vàn khó khăn gian khổ. Do nhiều nguyên nhân nên lạm phát đạt mức phi mã 780%. Thầy, cô giáo gặp muôn vàn khó khăn: lương thấp, đồng tiền mất giá. Khó từ chỗ cái ăn, cái mặc, chữa bệnh, đi lại, nuôi con. Thiếu phương tiện trong dạy học từ dầu đèn (chưa có điện), văn phòng phẩm, phương tiện giao thông – liên lạc. Trường lớp thiếu thốn đủ thứ, môi trường giáo dục không thuận lợi, khuôn viên trường gồm 6 cơ quan đóng (bao gồm có Công an xã, Nhà văn hóa, Nhà trẻ, Mẫu giáo, Khu cư xá giáo viên). Nhưng nhu cầu giáo dục lại rất cao: Phải xây dựng Trường ra Trường - Lớp ra lớp. Thầy ra thầy - Trò ra trò. Dạy ra dạy - Học ra học. Nhà trường phải là trung tâm văn hóa khoa học kỹ thuật. Giáo dục phải toàn diện. Vì vậy giáo dục phải kết hợp với lao động sản xuất để tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Để xây dựng trường lớp và giáo dục toàn diện kết hợp với Dạy chữ - Dạy người và dạy nghề trong đó dạy người là cốt lõi. Vì vậy thầy, cô phải lao động với cường độ cao, từ lên lớp – thực hành – ngoại khóa, hướng dẫn học và cùng học sinh đi lao động ở các công nông, lâm trường, làm vườn trường như hái trà, trồng cà phê, trồng dâu nuôi tằm, đắp đập thủy điện, trồng rừng, làm tôn fibrôxi măng. Việc đánh giá học sinh phải đạt 4 mặt (Đức – Trí – Thể - Lao động sản xuất). Thầy cô giáo phải rèn luyện để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Phần lớn thầy cô đều thông suốt tư tưởng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy vậy do quá khó khăn về đời sống nên một số thầy cô phải chuyển nghề, chuyển ngành, nghỉ việc, chuyển về quê và tìm đến nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Giáo viên thời đó ở trường thiếu trầm trọng nên phải đi mượn thầy cô nơi khác đến dạy giùm.
Xã Lộc Thanh tuy chỉ cách trung tâm thị xã Bảo Lộc 4 km đường chim bay nhưng đi lại rất khó khăn. Địa phương xã là vùng thuần nông. Người dân chủ yếu là dân di cư năm 1954 từ Thanh Hóa vào theo đạo Thiên chúa giáo toàn tòng vì vậy có nhiều khó khăn khi tiếp cận nền giáo dục mới.
Học sinh thời đó không phải đóng học phí – được mượn một bộ sách giáo khoa, văn phòng phẩm được phân phối... Nhưng việc xác định mục đích, động cơ, thái độ học tập chưa đúng. Cộng vào đó do kinh tế khó khăn, thể lực kém – việc học chưa được phụ huynh quan tâm đúng mức, học sinh nghỉ học nhiều, gắng nặng đè lên vai các thầy cô càng nặng.
Khó khăn chồng chất khó khăn phải chăng là dòng sữa ngọt nuôi nuôi lớn tâm trí lực thầy cô. Ngôi trường phổ thông cấp 2 - 3 Lộc Thanh lớn mạnh. Từ 34 thầy cô và 540 học sinh năm 1985-1986 lên 134 giáo viên, 63 lớp và 2934 học sinh năm học 2004-2005. Khuôn viên trường được mở rộng từ 10.000 m2 lên 16.500 m2. Từ 6 phòng học tạm lên 38 phòng học và chuyên dùng. 20 năm đã đào tạo hơn 10.000 học sinh - nhiều hơn dân số xã Lộc Thanh thời đó. Bước đầu Trường đã ra Trường - Lớp ra lớp. Thầy ra thầy - Trò ra trò. Dạy ra dạy - Học ra học. Hai mươi năm đó cũng đã có gần 200 thầy cô đến và ra đi từ mái trường này.
Dưới mái trường thời đó đã thấm đẫm bao nhiêu mồ hôi, công sức thầy cô và có những giọt nước mắt vui sướng hạnh phúc, đau thương, phân ly và cả tiếng cười vui sướng – trưởng thành và khát vọng khám phá.
1. Hạnh phúc
Nhiều thầy cô được xe duyên nên vợ chồng – xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc, con cháu khôn lớn trưởng thành. Có các thầy cô lên chức ông – bà, một người lên chức cố. Có một cặp vợ chồng duy nhất nên duyên từ ngày thành lập trường đến nay vẫn miệt mài cống hiến cho trường.
2. Trưởng thành
- 9 thầy cô đã trở thành hiệu trưởng các trường THCS, THPT – Phó trưởng phòng giáo dục.
- 8 thầy cô trở thành phó hiệu trưởng các trưởng THCS, THPT.
- 16 thầy cô đã có học vị thạc sĩ.
3. Đau thương
 - 1 cháu là con của thầy cô ở khu tập thể vì đói ăn khoai mì bị ngộ độc và mất.
- 7 thầy cô đã mất vì tai nạn giao thông và bệnh hiểm nghèo.
4. Khám phá
 Dấu chân thầy cô đã đến đã in với ánh mắt sáng ngời trên các di sản quốc tế của Việt Nam như phố cổ Hội An - thánh địa Mỹ Sơn - Cố đô Huế - Phong Nha Kẻ Bàng - Vịnh Hạ Long. Các địa danh lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh - làng Hoàng Trù, làng sen quê nội, ngoại Bác Hồ - Lăng Bác - Thăng Long - Hà Nội, dốc Fađin - Điện Biên Phủ. Chúng ta từng dạo chơi trên đồi A1 – Nóc hầm De Castries, lên Sa Pa, qua Cốc Lếu - Lào Cai, về thăm đất tổ Đền Hùng, tắm mát bãi biển Ty tốp  Hạ Long - Cửa Lò Nghệ An - Cửa Tùng Quảng Trị - Thuận An Huế - Mỹ Khê Đà Nẵng - Quy Nhơn - Hòn Tằm - Hải Sơn, Dốc Lết Nha Trang - Mũi Né Phan Thiết - bãi sau Vũng Tàu - bãi biển Hà Tiên Phú Quốc qua những chuyến xe xuyên Việt, tàu cao tốc, cánh ngầm theo sông theo biển tự hào đầy ắp kỷ niệm …


5. Chia ly
 28 thầy cô đã nghỉ hưu, 3 thầy cô định cư ở nước ngoài, 60 thầy cô chuyển về quê.
6. Phân ly
 Năm học 2005-2006 tách cấp 2 thành trường THCS Chu Văn An. Tách hệ B thành TH cấp 2,3 Lộc Phát. Trường THPT Lộc Thanh ở lại trên khuôn viên cũ và 10 năm sau đã trở thành Trường chuẩn quốc gia.
7. Chiêm nghiệm
 Phải chăng: “Cây cay đắng đã cho mùa quả ngọt”, chúng ta những người có mặt hôm nay, những người vắng mặt và những người đã khuất có quyền tự hào điều đó. Vì thầy cô là linh hồn nhà trường sẽ sống mãi trong lòng nhà trường và bao thế hệ học sinh, phụ huynh thân thương.
8. Hứa hẹn gì cho tương lai, cho thầy cô tương lai? Cho 3 mái trường từ đó mà ra
Thành đạt và hạnh phúc - Hứa hẹn lần gặp mặt tương lai. Đông đủ đầy hơn thầy cô - gia đình chồng vợ - ông bà - cháu con./.
 
 
 
 






 
 
 

Tác giả bài viết: Phạm Đình Ái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn