Đề cương ôn tập Ngữ Văn 10 - Năm học 2018-2019

Trường THPT Lộc Thanh
      Tổ Ngữ Văn
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP MÔN NGỮ VĂN LỚP 10
HỌC KÌ I -NĂM HỌC 2018 - 2019
A. KIẾN THỨC CẦN NẮM
I. ĐỌC VĂN:
1. Văn học dân gian Việt Nam
- Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây (trích sử thi Đăm Săn).
- Truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ.
-  Truyện cổ tích Tấm Cám
-  Truyện cười dân gian: Tam đại con gà, Nhưng nó phải bằng hai mày
-  Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa.
-. Ca dao hài hước
2. Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX
-  Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão
-  Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – Bài số 43) - Nguyễn Trãi
-  Nhàn  - Nguyễn Bỉnh Khiêm
-  Đọc "Tiểu Thanh kí"- Nguyễn Du
3. Văn học nước ngoài:
- Đoạn trích Uy-lítxơ trở về (trích Ô-đi-xê sử thi Hi Lạp).
-  Đoạn trích Ra-ma buộc tội (trích Ra-ma-ya-na – sử thi Ấn Độ)
-  Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng - Lí Bạch
-  Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ
II. LÀM VĂN:
1. Văn biểu cảm
-      Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài ca dao than thân đã học (hoặc đã đọc)
-      Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về một truyện dân gian mà anh (chị) yêu thích.
-      Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về một nhân vật trong sử thi/truyền thuyết/ truyện cổ tích để lại nhiều ấn tượng.
-      Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về truyện cười dân gian Nhưng nó phải bằng hai mày và Tam đại con gà.
-      Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài thơ, đoạn thơ, câu thơ...
Hướng dẫn
 a. Về kĩ năng
-    Nắm vững phương pháp viết đoạn văn biểu cảm về một tác phẩm dân gian, một tác phẩm, nhân vật văn học...
-    Diễn đạt trôi chảy, dùng từ chính xác, không mắc lỗi chính tả, đặt câu.
b. Về kiến thức
ĐỀ 1, 2, 3
-    Chọn và nêu chính xác một bài ca dao đã học hoặc đã đọc thuộc một trong các nhóm bài ca dao (ca dao than thân, ca dao yêu thương tình nghĩa, ca dao hài hước...).
-    Trình bày được cảm xúc, suy nghĩ về nội dung, ý nghĩa của bài ca dao, khẳng định vẻ đẹp cuộc sống tâm hồn, tình cảm của người dân lao động ngày xưa.
ĐỀ 4
-         Chọn và nêu chính xác chủ đề, nội dung câu chuyện dân gian.
-         Trình bày cảm xúc, suy nghĩ về nội dung, ý nghĩa của câu chuyện, tránh diễn xuôi mà cần chú ý đi vào các tình huống, sự việc, chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật chủ đề.
-         Nêu được một số nghệ thuật: sử dụng yếu tố kì ảo, hoang đường, tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn...
ĐỀ 5
-         Chọn và nêu chính xác nhân vật trong các tác phẩm tự sự dân gian, ấn tượng mà nhân vật để lại.
-         Trình bày cảm xúc, suy nghĩ về nhân vật qua ngoại hình, lời nói, hành động, đời sống tâm hồn, tình cảm, chức năng của nhân vật trong câu chuyện, vai trò của nhân vật dối với toàn bộ cốt truyện...
ĐỀ 6
-         Nắm vững nội dung chủ đề của hai truyện cười dân gian đã học trong chương trình.
-         Nêu các thủ pháp gây cười đáng chú ý trong truyện: xây dựng tình huống truyện để nhân vật tự bộc lộ, xây dựng những cử chỉ, hành động gây cười, dùng hình thức chơi chữ....
-         Trình bày cảm xúc, suy nghĩ về bài học rút ra từ truyện cười dân gian.
ĐỀ 7
-         Nắm nội dung chủ đề của bài thơ, nêu chính xác bài thơ, đoạn thơ, câu thơ.
-         Trình bày cảm xúc, suy nghĩ về nội dung của tác phẩm, cái hay, cái đẹp của bài thơ cũng như nét đẹp trong tâm hồn tác giả thể hiện qua câu thơ, đoạn thơ, bài thơ.
-         Nêu được một số đặc sắc nghệ thuật của câu thơ, đoạn thơ, bài thơ đó.
2..      Văn tự sự
-         Kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm trong văn tự sự
-         Biết xây dựng các sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự để làm nổi bật ý nghĩa, chủ đề
-         Một số dạng đề:
+ Kể lại một kết thúc khác với kết thúc của tác phẩm dân gian đã học (Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy; Tấm Cám, Chử Đồng Tử...)
+ Đóng vai một nhân vật trong các truyện dân gian để kể lại câu chuyện.
+ Kể một câu chuyện có ý nghĩa giáo dục giới trẻ.
-         Hướng dẫn chung
+ Xây dựng cốt truyện, hệ thống nhân vật dựa theo yêu cầu của đề bài.
+ Lựa chọn, sắp xếp các sự việc, chi tiết hợp lý, sự việc này nối tiếp sự việc kia và đi đến kết thúc.
+ Kết hợp các yếu tố miêu tả và biểu cảm để làm cho bài văn hấp dẫn, lôi cuốn hơn.
            + Chú ý dùng từ, dẫn dắt câu chuyện hợp lý, sử dụng ngôn ngữ thích hợp.
3.      Văn nghị luận (Nghị luận văn học)
-         Các dạng đề: Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ
-         Hướng dẫn chung
   + Về kĩ năng:
     Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận văn học.
     Bố cục bài làm hợp lý, lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, dùng từ.
     Biết liên hệ với các tác phẩm khác đã học hoặc đã đọc để làm rõ vấn đề.
   + Về kiến thức:
     Trình bày đầy đủ những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, chủ đề của tác phẩm đã học trong chương trình.
     Phân tích, chứng minh để làm rõ vấn đề.
     (Tham khảo nội dung chính của các tác phẩm ở phần Đọc văn)
III. TIẾNG VIỆT
- Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt
- Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
- Các biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ
B.CẤU TRÚC ĐỀ THI HỌC KÌ I:
Câu 1 (3 điểm): Đọc hiểu
Câu 2 (7 điểm): Viết bài nghị luận văn học.